1. Luôn trau dồi kiến thức
Nếu bạn nắm chắc kiến thức cần giảng dạy, bạn đã có thể tự tin đến 50% khi đi dạy gia sư. Chỉ khi bạn có đủ kiến thức, bạn mới có thể truyền đạt cho học sinh, giúp học sinh tiến bộ hơn.
Ngoài kiến thức về môn học, trau dồi kiến thức xã hội, tự nhiên, khoa học cũng là lợi thế, giúp bạn không gặp lúng túng trước câu hỏi của học sinh. Những kiến thức ngoài lề này còn giúp bạn thay đổi không khí vốn đang căng thẳng của buổi học, khiến học sinh thoải mái hơn.
2. Rèn luyện kỹ năng giảng dạy
Bạn có kiến thức thôi chưa đủ, làm sao để truyền đạt hết kiến thức ấy cho học sinh cũng vô cùng quan trọng. Bạn sẽ cảm thấy ra sao khi dù mình giỏi nhưng lại luôn lắp bắp không thể nói để học sinh hiểu.
Để tự tin khi giảng bài, bạn phải nói thật lưu loát, rành mạch, dứt khoát. Với những môn xã hội, lời giảng giải lại cần truyền cảm và có chiều sâu.
Nếu bạn không có khả năng giao tiếp bẩm sinh hoặc lỡ nói ngọng hay giọng vùng miền, bạn có thể tự tập luyện bằng cách cầm quyển sách đọc to, rõ ràng và chậm rãi.
3. Luôn có sự chuẩn bị trước khi đi dạy
Việc bạn đến tay không, giao bài tập trong sách giáo khoa là việc hoàn toàn không nên. Đừng nghĩ rằng dạy gia sư thì không cần soạn bài. Trong đầu bạn không phải lúc nào cũng có thể lập trình sẵn kiến thức cho 2 giờ học.
Những việc bạn cần chuẩn bị trước khi dạy:
- Đọc trước bài cần dạy, soạn đề, soạn nội dung cần dạy
- Soạn sẵn đáp án các bài tập mà bạn sẽ giao cho học sinh chứ không đến rồi mới ngồi giải cùng học sinh.
- Chuẩn bị sẵn trình tự dạy học, căn thời gian cho phù hợp.
- Chuẩn bị cả những câu chuyện hoặc vấn đề ngoài lề bạn muốn nhắc tới.
Khi mọi thứ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn sẽ tự tin đi dạy mà không lo thừa, thiếu thời gian hay giờ học bị nhàm chán nữa.
4. Chuẩn bị về trang phục, tác phong
Khi bạn có một ngoại hình ổn, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi đi dạy. Nhất là khi học sinh và phụ huynh cũng khá để ý vấn đề này.
- Mặc trang phục chỉnh tề, lịch sự;
- Đầu tóc gọn gàng;
- Soi gương kiểm tra trước khi đi dạy.
5. Luôn quyết đoán trước học sinh
Nhiều bạn gia sư gặp phải học sinh tai quái thưởng bị "hẫng" và bỗng trở nên kém tự tin. Các bạn thường lo sợ rằng học sinh sẽ nói xấu mình trước phụ huynh.
Thực tế, bạn càng tỏ ra nhân nhượng, học sinh sẽ càng được thể "lấn lướt". Việc bạn cần làm là tỏ thái độ quyết đoán, nghiêm khắc. Hãy cho học sinh của bạn biết rằng: Học sinh là người học, còn bạn là người dạy.
Lời kết:
Hơn tất cả, kinh nghiệm mới là yếu tố quan trọng nhất. Càng va vấp nhiều, bản lĩnh của bạn càng được tôi luyện. Sau này khi ra trường, đàm phán hay thương thuyết hợp đồng mới gọi là bản lĩnh thực sự. Còn gia sư mới chỉ là bước khởi đầu để bạn trưởng thành, vậy thì tại sao bạn lại thiếu tự tin trước công việc này được chứ?